Rất nhiều kiểu “lách luật” và hệ lụy nghiêm trọng

Thời gian đăng: Lúc 22:07, ngày 21/11/2021

Thực tế, “lách luật” được nhiều người nói đến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ bản chất thật sự của nó là như thế nào.

>> Cần tuyển gấp hàng loạt Sinh viên Luật thực tập (chế độ phúc lợi tốt)
>> Cơ hội việc làm, tiền lương với Cử nhân Luật
>> Chuyên trang Việc Làm Ngành Luật
>> Nhiều Sinh viên Luật hiểu sai 15 quy định này
>> 8 điều cần nhớ khi xin việc nhằm tránh thiệt thòi cho bản thân

Nhiều người nghĩ “lách luật” là vi phạm pháp luật, tuy nhiên đó là cách hiểu sai (“lách luật” không bị coi là vi phạm pháp luật). “Lách luật” là nói theo ngôn ngữ đời thường, còn thực chất của “lách luật” chính là tìm ra chỗ mà pháp luật chưa quy định, pháp luật chưa điều chỉnh kịp đời sống thực tế; hoặc cũng có thể là tìm ra “lỗ hổng” của hệ thống pháp luật để “chui” qua.

Lưu ý, tuy “lách luật” không bị coi là vi phạm pháp luật nhưng đằng sau đó là rất nhiều hệ lụy mà có thể bản thân người “lách luật” phải gánh chịu (“lách luật” chưa hoàn hảo dẫn đến “vi phạm pháp luật”), hoặc là những người khác phải chịu.

Ví dụ 1: Nhiều doanh nghiệp trong một thời gian dài đã tìm mọi cách “lách luật” để giảm bớt các khoản phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bằng cách kê khai mức lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thấp hơn mức lương thực tế một cách ‘điêu luyện’ mà không ai có thể bắt bẻ, trừ trường hợp người lao động ‘tố cáo’ người sử dụng lao động (ngôn ngữ đời thường gọi là doanh nghiệp làm hai bảng lương – một bảng lương để trả lương cho người lao động, một bảng lương để đối phó với cơ quan bảo hiểm xã hội).

Ví dụ 2: Nhiều trường học đã tìm mọi cách “lách luật” để lạm thu, dù pháp luật nghiêm cấm nhưng nhiều trường “lách luật” bằng cách họp phụ huynh và đại đa số phụ huynh đồng ý tự nguyện đóng (đây là sự tự nguyện hình thức, bởi lẽ nhiều phụ huynh không muốn đóng nhưng sợ con mình bị thầy, cô “đì” nên đành phải tự nguyện đồng ý).

Ví dụ 3: Lợi dụng quy định của pháp luật là “chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, nên nhiều bà vợ vi phạm nghĩa vụ vợ chồng (như là ngoại tình, cờ bạc…) bị chồng đòi ly hôn thì cố tình có thai với nhân tình để tránh ly hôn.

Ví dụ 4: Lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước (không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi), nhiều người phạm tội bị tuyên án tử hình đã cố tình mang thai để thoát án tử hình.

Ví dụ 5: Lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước (người phạm tội là phụ nữ có thai là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) nên nhiều người cố tình mang thai rồi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, như là buôn bán ma túy, trộm cướp…

Rất mong, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm khắc phục những thiếu sót của hệ thống pháp luật hiện hành để bổ sung kịp thời, nhằm tránh trường hợp để người dân “lách luật”.

Thẻ:, ,