Khi giao kết hợp đồng lao động cần phải tuân thủ những nguyên tắc nào?

Thời gian đăng: Lúc 23:28, ngày 03/10/2021

Hỏi: Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi giao kết hợp đồng lao động cần phải tuân thủ những nguyên tắc nào?

Đáp: Căn cứ vào Điều 15 Bộ luật Lao động năm 2019, nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động như sau:

Thứ nhất, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

Thứ hai, tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Tự nguyện là một trong những nguyên tắc quan trọng để khẳng định hợp đồng lao động là kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động, không bên nào ép buộc bên nào giao kết hợp đồng lao động, sự tự nguyện chính là biểu hiện của yếu tố tự do của các bên theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc tự nguyện là một trong những cơ sở quan trọng ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng lao động và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Bình đẳng là nguyên tắc khẳng định vị thế ngang nhau của người sử dụng lao động và người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng nhằm phòng tránh việc người sử dụng lao động lợi dụng việc nắm giữ tư liệu sản xuất trong tay để áp đặt đối với người lao động khi giao kết hợp đồng lao động.

Thiện chí, hợp tác chính là điều quyết định việc người sử dụng lao động và người lao động tiến đến với nhau, cùng nhau đồng thuận để thiết lập và duy trì quan hệ lao động bằng cách giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Thiện chí biểu hiện cách đối xử tốt đẹp, chân thành với nhau; hợp tác là thể hiện sự phối hợp cùng nhau trong thỏa thuận, bàn bạc giải quyết vấn đề. Khi không có thiện chí và không muốn hợp tác thì sẽ không có việc giao kết hợp đồng lao động. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu các bên không còn thiện chí, không muốn tiếp tục hợp tác với nhau cũng là lúc quan hệ lao động sẽ đi vào sự bế tắc, rạn nứt và đổ vỡ.

Không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu trong việc giao kết hợp đồng lao động. Nguyên tắc này liên quan nhiều đến việc xác định các nội dung thỏa thuận đưa vào hợp đồng khi giao kết hợp đồng lao động. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác có liên quan và lợi ích chung của xã hội. Mặc dù hợp đồng lao động là kết quả của sự tự do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng sự tự do ở đây là có giới hạn, trong khuôn khổ nhất định. Giới hạn đó chính là chuẩn mực tối thiểu về quyền và nghĩa vụ của các bên theo pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thẻ:, ,