Tại sao vợ đang mang thai thì chồng không được đơn phương ly hôn?

Thời gian đăng: Lúc 9:33, ngày 11/07/2024

Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nhiều bạn thắc mắc, tại sao vợ đang mang thai thì chồng không được đơn phương ly hôn? Vẫn biết rằng quy định nêu trên sẽ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nhưng cụ thể là bảo vệ quyền lợi gì thì nhiều người không biết; và rất nhiều lập luận được đưa ra, như là:

Lập luận 1:

Vì người phụ nữ cần có người chồng chăm sóc trong thời gian mang thai => Với lập luận này thì có bạn phản biện lại là “không cho ly hôn ở mặt pháp lý chứ thực tế chồng nó ghét nó không chăm sóc thì sao?”. Do đó lập luận này cũng chưa được thuyết phục.

Lập luận 2:

Giai đoạn này tâm lý của phụ nữ không ổn định, nếu ly hôn sẽ làm họ buồn, rồi dẫn đến thai nhi bị ảnh hưởng => Với lập luận này thì có bạn phản biện lại là “không cho ly hôn rồi suốt ngày người chồng ở nhà chì chiết, chửi bới, đánh đập thì người vợ và thai nhi cũng bị anh hưởng về tâm lý và sức khỏe”. Do đó lập luận này cũng chưa được thuyết phục.

Lập luận 3:

Trong thời gian người vợ mang thai nên sẽ khó khăn trong việc đi lại (đặc biệt là đến Tòa án để làm thủ tục ly hôn); cũng như tâm lý không được ổn định, do đó dễ dẫn đến việc đưa ra ý kiến trong phiên hòa giải hoặc tranh luận tại Tòa không được chuẩn xác, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người vợ => Cho đến thời điểm hiện tại, lập luận này là thuyết phục.

Điều 2. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình [Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao]
1. “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
2. “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
c) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
3. Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
6. Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:
a) Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thẻ:, ,