Sau đây, TÀI LIỆU LUẬT PRO điểm qua những điểm nổi bật của 5 Luật mới bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
1. Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020
Theo Luật này, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng như sau:
- Bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để thực thi nhiệm vụ; áp dụng hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo quy định.
- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực và các loại giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
- Đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
- Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở theo quy định.
- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
- Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự theo quy định.
- Trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lực lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy vào nội địa; truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy từ trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới, các nước khác và tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 sẽ thay thế cho Pháp lệnh Bộ đội biên phòng năm 1997.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020
Theo Luật này, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
(i) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;
(ii) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
(iii) Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(iv) Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
(v) Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 102 Luật Hải quan năm 2014) thì quy định mới đã bổ sung thêm các trường hợp (iii), (iv), (v).
3. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020
Luật này nghiêm cấm việc đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với công việc sau đây:
- Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí.
- Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); tiếp xúc thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân.
- Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.
- Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất axít ni-tơ-ríc, na-tơ-ri xun-phát, đi-xun-phua các-bon hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc chống mối mọt có độc tính mạnh.
- Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.
- Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).
- Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 thay thế cho Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.
4. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Từ ngày 01/01/2022, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau:
- Phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
- Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ngoài ra, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt hoặc không sử dụng bao bì đúng quy định thì cơ sở thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời báo cho cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, riêng khoản 3 Điều 29 (quy định về nội dung đánh giá tác động môi trường) có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thay thế cho Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
5. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
Theo Luật này, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện.
- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
- Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
(Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại cấp xã mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 thay thế Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008.